Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị

Theo UBND huyện Thanh Bình, những tháng đầu năm, địa phương triển khai các kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức như: thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và tiến độ gieo trồng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; giá cả vật tư tăng cao, tổ chức sản xuất kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn... Trước tình hình này, địa phương nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển sản xuất kinh doanh, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần vào tăng trưởng chung của huyện.

 Về lĩnh vực trồng trọt, nhìn chung, các chỉ tiêu tăng trưởng ổn định và ngày một phát triển dần theo chiều sâu theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, góp phần thúc đẩy nhanh và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Cụ thể, toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng khoảng 55.815/58.431ha, chủ yếu là cây lúa, hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái... Đến cuối tháng 9/2022, toàn huyện được cấp mới và duy trì được 73 vùng trồng với diện tích 4.483/9.036ha, đạt 49,6%. Hiện, địa phương hoàn chỉnh hồ sơ vùng trồng gửi Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật xem xét đề xuất Cục trồng trọt Bảo vệ thực vật duy trì 1 vùng trồng và cấp mới 2 vùng trồng với tổng diện tích 100ha. Đồng thời thực hiện hỗ trợ cho 3 đơn vị cấp mã số cơ sở đóng gói.

Huyện Thanh Bình cũng tạo điều kiện để phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Theo đó, toàn huyện có 14 hội quán với 618 thành viên; 19 hợp tác xã với 6.840 thành viên; 34 tổ hợp tác với 9.828 thành viên. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có diện tích liên kết tiêu thụ lúa và hoa màu là 4.412,5ha.

Thời gian qua, huyện cũng tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô, hiện đại gắn với chế biến. Đồng thời thay đổi về phương thức tổ chức sản xuất, chú trọng áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, qua đó góp phần khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng, năng suất, hiệu quả thấp. Trong đó, địa phương quan tâm thực hiện các dự án, mô hình sản xuất hiệu quả như: Dự án VnSAT; Dự án ICRSL; Dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp” của Tổ chức Seed to table; Dự án “Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”; mô hình mẫu sản xuất sen gắn phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị; mô hình sản xuất lúa áp dụng công nghệ 4.0 gắn liên kết tiêu thụ; mô hình sản xuất và tiêu thụ xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, gắn liên kết tiêu thụ...

Theo UBND huyện Thanh Bình, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức thực hiện cánh đồng liên kết - tiêu thụ; củng cố và nâng cao vai trò hoạt động, đa dạng khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp ở các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời tiếp tục thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đê bao và nạo vét các tuyến kênh mương bị cạn kiệt, từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí để phục vụ sản xuất lúa và hoa màu. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, lịch thời vụ cho từng vùng, từng địa bàn, chủ động phòng, chống hạn, chống lũ và phòng, chống sâu bệnh bảo vệ sản xuất.

Bên cạnh đó, tập trung sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, gắn mã số vùng trồng với liên kết - tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng hiệu quả việc thực hiện các dự án như: dự án VnSAT; dự án sinh kế mùa lũ, dự án sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững (SRP)... Đẩy mạnh quản lý, điều hành sản xuất theo kế hoạch và lịch thời vụ, tiếp tục hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng vật nuôi...

Theo Báo Đồng Tháp Online

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Hotline tư vấn

 (+84) 918231900